CHÚC MỪNG NGÀY NHÀ BÁO VIỆT NAM 21/06
Trong con mắt của tôi, truyền thông giống như thế giới của loài chim. Nó quyến rũ và chiếm lĩnh tinh thần chúng ta bằng âm thanh và màu sắc, có khi tĩnh có khi động, có khi phô bày cũng có khi cần tư duy. Trong thế giới loài chim có nhiều công cũng có nhiều quạ, có cả kền kền lẫn đại bàng. Cái gốc tốt đẹp của truyền thông vốn là để truyền tải những thông điệp và tư tưởng từ những thực tế xã hội và là môi trường tự do để phản ánh và phản biện làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, ở VN thì nảy sinh thêm khái niệm “truyền thông có định hướng”, nhưng do những người “định hướng” đôi khi lại mù đường thế là xuất hiện thêm khái niệm “truyền thông bẩn”.
Truyền thông bẩn nghĩa là không sạch, thường thì không ai rảnh để đi làm truyền thông bẩn, mà lợi dụng sự ngây thơ và cả tin của đám đông để “định hướng bẩn” dư luận nhằm trục lợi. Có những sự trục lợi mà công chúng hiểu biết có thể tha thứ được nhưng có những sự thì không thể!
Ngoài những việc cánh nhà báo tâng bốc ngài quan chức này, hạ bệ vị quan chức lọ. Săn tìm, rình mò các doanh nghiệp lớn để viết bài câu view, câu like để tìm kiếm sự nổi tiếng kiểu “ Khá Bảnh”…Thời gian gần đây hệ thống báo chí vào cuộc để lăng xê cho film “Vợ Ba” của của đạo diễn Phương Anh và bộ ảnh “những đứa trẻ mang bầu” dưới danh nghĩa “chia sẻ thông điệp truyền thông bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại tình dục”…
Tôi phải thẳng thắn nói rằng đây chưa hẳn là truyền thông bẩn nhưng nó là truyền thông rác, mà là rác thì vị trí của nó phải là ở trong thùng rác để đưa đi tiêu hủy. Bộ ảnh không hề có giá trị giáo dục, không đưa ra được thông điệp cảnh báo hay giải pháp khắc chế mà nó chỉ đơn giản là tả lại những sự thật ghê tởm để khắc hằn thêm vô số lần nữa sự đớn đau và ám ảnh của những đứa trẻ vô tội mỗi khi nhìn vào, để những vết thương tâm hồn chúng không bao giờ có cơ hội lành lại cho dù thời gian có qua đi bao lâu. Những người tạo ra bộ ảnh này không vi phạm pháp luật nhưng họ đã vi phạm những vấn đề đạo đức.
“Truyền thông rác” suy cho cùng còn nguy hại hơn “truyền thông bẩn”. Bởi vì truyền thông bẩn thì làm người ta shock nhưng nhanh hiểu ra vấn đề và có lập luận rõ ràng để quyết định đúng hay sai, còn truyền thông rác thì người ta khó tìm ra lý lẽ rạch ròi để loại trừ hay chấp nhận. Và sự lừng khừng của công chúng dễ tạo thành sự chấp nhận tạm thời. Từ chấp nhận tạm thời người ta dần sẽ coi nó là những điều bình thường và hình thành thói quen sống chung với rác như một phần của cuộc sống vậy.
“Có Đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Có tài mà không có đức thì thành người vô dụng”. Mà những kẻ có chút tài mọn nhưng thất đức lại còn được truyền thông khoác cho chiếc mặt nạ đắc nhân tâm nữa thì mỗi nguy hại với xã hội là âm thầm nhưng khủng khiếp biết chừng nào ?.